Hỏi
-Anh Quang Tử cho em xin phép hỏi một câu này ạ. Có bài hướng dẫn đọc chú Diệt Định Nghiệp anh nhấn mạnh là không được nằm niệm chú trừ khi bị bệnh.
Nhưng đôi khi muộn rồi em đi ngủ, em muốn niệm chú nhưng nghĩ nếu mình nằm mà niệm thì không được. Vậy thì có đúng không anh? Mình nằm niệm chú có tội gì không ạ? Em nghe đâu nằm đọc kinh sẽ bị quả báo đọa làm rắn đúng không anh ?
Đáp :
-Quang Tử từng thảo luận kĩ lưỡng với một vị master Mật Tông, cùng tham khảo ý kiến của nhiều Tông Sư khác, mọi người thống nhất là , đối với KINH ĐIỂN – THẦN CHÚ do Đức Phật thuyết ( các bài viết, giảng về chủ đề Phật Pháp không do Đức Phật thuyết, thì không phải Kinh, không tính vào đây) cùng với việc niệm danh hiệu Phật, Bồ Tát, thì :
– KHÔNG ĐƯỢC NẰM MÀ ĐỌC RA TIẾNG (như vậy là khinh lờn kinh pháp), tương tự với các trường hợp vào WC, trang phục không chỉnh tề … cũng không được tụng niệm lớn tiếng, sẽ có quả báo. Xét sâu vào tâm, bị quả báo chủ yếu do tâm khinh lờn Pháp Bảo, chứ không phải chỉ do tư thế bên ngoài, đó là mấu chốt.
– Còn nếu tụng niệm thầm, không phát ra tiếng, thì vẫn có thể nằm mà niệm, bao gồm niệm Phật – trì tụng kinh chú, cũng như cả lúc không trang nghiêm như vào WC, khỏa thân, thay đồ, nam cởi trần quần đùi, nữ mặc váy ngắn, áo hai dây…
Trừ ra mỗi lúc nam nữ ân ái là HOÀN TOÀN KHÔNG ĐƯỢC PHÉP.
Hiếu được mấu chốt, ta sẽ mở ra nhiều cách hiểu linh hoạt khác:
1. Người bệnh liệt giường, không thể ngồi, họ vẫn tụng kinh niệm Phật trong tư thế đó được chứ ? Được ! Các ban hộ niệm cho người sắp lâm chung, thì người đó thường là đang nằm mà niệm Phật chứ sắp chết ngồi thế nào được.
Tâm họ đâu có khinh lờn Pháp Bảo đâu. Việc đó khác với người khỏe, có thể ngồi dậy mà không chịu ngồi, vì họ xem kinh điển cùng hạng với các loại khác.
Vậy, thay vì chúng ta chỉ xét mỗi tư thế bên ngoài, hoặc chỉ xét về tâm bên trong, chúng ta cần xem xét cả hai. Vì thân và tâm vốn gắn chặt với nhau.
Không thể nói “Tôi không chấp hình thức bên ngoài, chỉ coi trọng tâm bên trong, tôi thờ Phật trong tâm” rồi bừa bãi muốn làm sao thì làm. Vì rằng tâm nó sẽ thể hiện ra hình thức bên ngoài.
Đây, tôi sẽ ví dụ trường hợp sau :
Bình thường khi có bạn thân suồng sã với nhau đã quen, hoặc những người không có gì đặc biệt, kiểu như trẻ con nhà hàng xóm qua chơi, chúng ta cứ tiếp họ thoải mái, cởi trần quền đùi vô tư, nằm nói chuyện cho đỡ mỏi bình thường. Vì sao ? Vì trong mắt ta, ta coi họ là ngang hàng, hoặc dưới hàng, thương mến thôi chứ không đặt nặng sự quý kính gì.
Xong giờ nếu là vị khách nào đó tương đối sơ giao đến thăm, dù là ngang hàng đi nữa, bạn có dám cởi trần quần đùi, nằm bắt chân chữ ngũ mà tiếp khách không ? Thường câu trả lời sẽ là không. Vì sao ? Vì tiếp khách kiểu đó là khiếm nhã, bất lịch sự.
Rồi giờ chẳng hạn có sếp đến chơi nhà, hay thầy giáo cũ dạy dỗ ta nhiều năm ghé chơi, hay Chủ tịch Nước đến động viên, hỏi thăm… bạn thử tưởng tượng xem mình có dám cởi trần, nằm rung đùi mà tiếp đón không ?
Hẳn là không rồi. Vì sao ? Vì ta rất tôn trọng họ, việc trang phục chỉnh tề và ngồi tiếp đón khách quý chính là từ tâm mà chuyển thành hành động.
Nói cách khác, là nhìn hành động mà thấy được tâm. Trừ khi bệnh hay những tình huống đặc biệt bất khả kháng, không thể làm vậy được thì mới có thể bỏ qua, vị khách sẽ thông cảm cho ta thôi, chứ không thì … mệt lắm.
Như vậy, mỗi lần ta đối diện với Tam Bảo, Kinh pháp, hình tượng Phật, rồi ta nhìn lại tư thế, tác phong của mình có khiếm nhã hay không, là ta cũng biết được cái tâm tôn kinh Tam Bảo của mình tới đâu. Không máy móc là ở trước tượng Phật thì luôn phải lễ lạy liên tục, xong chí ít thì cũng phải giữ ở mức nhất định nào đó để thể hiện sự tôn kính, chứ đâu thể nào suồng sã như với trẻ con nhà hàng xóm qua chơi được.
Mặt khác, cũng không cần quá câu nên hình thức bên ngoài rồi cho đó là tất cả, mà không xét đến cốt lõi ở tâm bên trong, sẽ thành ra sáo rỗng, máy móc. Như thế sẽ không hiểu được bản chất , và không thể linh hoạt áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.
Phân tách ra, chúng ta sẽ có hàng loạt trường hợp khác nhau, phước và tội cũng thay đổi liển tục theo cấp độ trong lúc đọc kinh – tụng kinh, lễ bái, niệm Phật :
Trường hợp 1 : Đọc kinh chú để phỉ báng, công kích, tìm cách bôi nhọ, hay lèo lái gây lạc hướng – Tội đọa địa ngục, bất kể nằm hay ngồi. Trường hợp này có thể bạn thấy lạ, nhưng có đó. Một số thành phần phá hoại Phật Giáo họ thường làm vậy. Ở đây, chúng ta có thể thấy, người này dù không có nằm, mà dù ngồi ngay ngắn, đạo mạo, trang trọng vô cùng đi nữa, thì kết cục cũng là tạo ra nghiệp chướng khổng lồ cả, địa ngục khó tránh.
Trường hợp 2 : Xem thường. Vì họ nghĩ kinh Phật – thần chú cũng bình thường thôi, muốn làm sao cũng được. Nên họ nằm đọc, dù có thể ngồi, và cũng chả có xem lại trang phục có chỉnh tề hay không. Ở đây, ta thấy trong tâm họ, họ xem Pháp Bảo tầm thường như những món đồ khác, vậy tâm đó là xem thường Tam Bảo, sẽ có quả báo.
Không nhất định 100% phải làm rắn đâu, một nhân có thể tạo ra nhiều loại quả báo khác nhau, ngoài kiếp sau làm rắn ra, có thể chuyển sang nhiều dạng quả báo khác : như ngu si, bệnh nằm liệt giường… chẳng hạn. Người nào có sẵn phước lớn thì sẽ bị tổn phước, bị mất chức, bị mọi người xem thường…
Trường hợp 3 : Tâm giữ cung kính, xong hoàn cảnh không cho phép trang nghiêm được. Ví như một gã ăn xin kính Phật, ông ta không có áo, chỉ có mỗi cái quần thôi, ông ta cởi trần ra trước tượng Phật, lạy Phật & đọc kinh chú, có được không ?
Ai nói không được, cấm cản người ăn xin, coi chừng chính người ấy mới bị quả báo.
Thời Đức Phật, người nam giới giai cấp nghèo toàn cởi trần không à. Có một ông tên Ni Đề nghèo khổ, hành nghề chuyên hốt phân cho nhà giàu, người ông ta cáu bẩn toàn phân hôi thối, nên ngại không dám đến gần Phật dù rất kính ngưỡng. Và Đức Phật đã làm sao ?
Đức Phật đến cầm lấy tay ông ấy, mà ân cân chỉ bảo, bình đẳng như những đệ tử xuất thân hoàng tộc khác, khuyến khích ông ấy xuất gia, sau ông ấy tu hành cũng chứng đạo quả A La Hán.
Vậy qua chuyện trên, bạn còn nghĩ cởi trần – tức trang phục không chỉnh tề đến trước tượng Phật sẽ luôn 100% là tạo ra Nghiệp bất kính không ?
Ai cố chấp cái hiểu một chiều mà phán : chắc chắn !00% tạo nghiệp, không có ngoại lệ. Coi chừng câu đó mới là khẩu nghiệp, vì gây hiểu lầm cho đời.
Trường hợp 4 : Cả thân và tâm giữ đủ chuẩn mực, ngoài trang nghiêm, và trong cung kính, vậy người này khi tụng niệm , sẽ có phước lớn hơn.
Trường hợp 5: Một số người đẩy sự cung kính bên trong lên tột độ. Ví dụ cùng là lên chùa lễ bái tụng kinh như những người khác, so về hình thức bên ngoài không ai phát hiện sự khác biệt gì, nhưng bên trong người này tôn kinh Tam Bảo đến mức bật khóc khi nghĩ đến Phật, nhìn tượng Phật mà như thấy Đức Phật thật, hoặc vì Tam Bảo sẵn sàng bỏ mạng không tiếc.
Việc này là bí mật chỉ người đó với Phật biết thôi, người ngoài không hiểu được. Xong cần phải biết, mỗi cái lạy Phật của người này, mỗi câu tụng niệm của người này, công đức khủng khiếp vô vàn chứ không thể đánh đồng với những người khác, dù bên ngoài nhìn giống nhau.
Trường hợp 6: Ngược lại với kiểu người trên, là một số người dù tâm tôn kính bên trong tương đối hời hợt, xong vì Nghi lễ hoàn cảnh sao đó, họ đẩy mạnh mức độ cầu kì bên ngoài. Với họ, phải giữ khuôn phép như thế này, trang phục phải chỉnh tề thế kia, lạy phải tư thế như thế này, tụng niệm phải ngân nga theo lối như thế kia, chuông mõ pháp khí không được thiếu … nhiều lắm.
Xét trên nhân quả, người này chắc chắn có phước, khá nhiều. Vì họ phải trải qua nhiều thủ tục như vậy mà vẫn duy trì được, bất kể bên trong mức thành kính nhiều ít như thế nào cũng là rất cố gắng. Không ai dám nói họ làm vậy là sai, họ phải có phước báo, có công đức.
Tuy nhiên, có nhiều bằng so với người đẩy mạnh tâm thành kính bên trong lên tột độ hay không ? Thì không, chắc chắn không thể bằng! Tâm bên trong quan trọng hơn nhiều, nên công đức lớn hơn rất nhiều, người quan trọng vẻ ngoài không có so kịp được.
Ngoài ra, việc trọng hình thức có thể – và thường gây ra một hệ lụy cho những người khác. Đó là khiến những người chưa hiểu nhiều Phật Pháp bị một hàng rào ngăn cản. Mỗi khi định tu tập lại hoang mang, không biết mình làm như thế này có bị tội gì không nhỉ ? Không ai giải đáp thỏa đáng cho, thế là họ quyết định bỏ tu cho nó lành.
Thế thì, đây chính là điểm nguy hại chết người của việc trọng hình thức, rồi đem áp đặt bắt tất cả phải theo, gây khó dễ khiến người ta nản mà rút lui. Cái việc bỏ tu mới thực sự là thảm họa, cho cả người bỏ tu lần người gây áp lực khiến người khác e ngại mà bỏ tu.
Trường hợp 7 : cả tâm cung kính bên trong, lẫn hình thức lễ nghi bên ngoài đều đẩy lên tột cùng. Bên trong thì tha thiết tôn thờ Phật, sẵn sàng vì Phật Pháp bỏ mạng không từ nan, bên ngoài thì mỗi khi lên chùa hay lên phòng thờ Phật đều chuẩn bị chu toàn, hương hoa đèn nến cúng dường trang nghiêm, tắm gội sạch sẽ, y phục chuẩn mực nhất có thể, lễ bái cũng kính hết sức. (Đặc biệt một số tông môn như Mật Tông còn quy định đối với hành giả trong một số trường hợp đặc biệt cần chuân bị nghi lễ rất cầu kì không phải ai cũng đáp ứng nổi)
Chẳng cần phân tích thì ai cũng biết, người như thế công đức vô cùng vĩ đại, là nhất trong các trường hợp. Tương lai họ mà không thành Phật thì không biết ai sẽ thành.
Trên đây là 7 trường hợp nói sơ qua, nhưng thực tế sẽ còn phân ra đến cả nghìn lẻ một trường hợp khác nhau. Phước và tội biến hóa phức tạp vô cùng khó mà nói hết với mỗi trường hợp.
Thế nên, ai đó mà hỏi những câu kiểu như được hay không được, ta chớ nên dại dột trả lời một chiều: hoặc chắc chắn có 100%, hoặc chắc chắn không 100%. Nói đơn giản một câu bất chấp mọi trường hơp thì y như rằng sai. Quang Tử lạm bàn đến đây, bạn nắm được vấn đề rồi chứ ?
__________________
* Công đức chia sẻ Phật Pháp là vô cùng vô tận, có thể làm tiêu trừ nghiệp chướng, thay đổi vận mệnh, tăng trưởng duyên lành.
Xin bạn hãy mạnh dạn chia sẻ các bài viết Phật Pháp, giúp cho ngày càng có nhiều người được tiếp cận với đạo lí, trên đền ơn Phật, dưới cứu độ muôn loài! Nam Mô A Di Đà Phật ! __()__
Trang Fanpage Quang Tử còn rất nhiều bài viết tương tự. Để không bỏ sót bài viết quan trọng nào, vui lòng bấm vào đường link bên dưới để xem ⬇️⬇️⬇️
https://www.facebook.com/quangtu.chuyennhanqua/