1. Bất sát sanh
2. Bất Du Ðạo
3. Bất tà dâm
4. Bất Ẩm Tửu
5. Bất vọng ngữ
Năm Mậu-Thìn (1928)
Thầy, các con
Thầy đã nói với các con rằng: Khi chưa có chi trong càn-khôn Thế-Giới thì khí Hư-Vô sanh ra có một Thầy và ngôi của Thầy là Thái-Cực.
Thầy phân Thái-Cực ra Lưỡng-Nghi, Lưỡng-Nghi phân ra Tứ-Tượng, Tứ-Tuợng biến Bát-Quái, Bát-quái biến-hóa vô cùng, mới lập ra Càn-Khôn Thế-Giới. Thầy lại phân tánh Thầy mà sanh ra vạn-vật là: vật-chất, thảo-mộc, côn-trùng, thú-cầm, gọi là chúng-sanh.
Các con đủ hiểu rằng:
Chi-chi hữu-sanh cũng do bởi chơn-linh Thầy mà ra, hể có sống, ắt có Thầy. Thầy là cha của sự-sống, vì vậy mà lòng háo-sanh của Thầy không cùng tận.
Cái sống của cả chúng-sanh, Thầy phân-phát khắp Càn-Khôn Thế-Giới, chẳng khác nào như một nhành hoa trong cội, nó phải đủ ngày giờ Thầy nhứt định mới trổ bông và sanh trái đặng trồng nữa, biến hóa ra thêm; nếu như ai bẻ hoa ấy nửa chừng thì là sát một kiếp sanh không cho biến-hóa.
Mỗi mạng sống đều hữu căn hữu kiếp, dầu nguyên-sanh hay hóa-sanh cũng vậy, đến thế nầy lâu nau đều định trước, nếu ai giết mạng sống, đều chịu quả-báo không sai; biết đâu là cái kiếp sanh ấy chẳng phải là Tiên, Phật bị đọa luân-hồi mà ra đến đỗi ấy.
Cái mạng sống là Thầy, mà giết Thầy thì không phải dễ, các con gắng dạy nhơn-sanh điều ấy.
Thăng
Năm Mậu-Thìn (1928)
Thầy, các con
Ôi! Thầy sanh các con thì phải yêu-trọng các con chẳng cùng, mà Thầy cho các con đến Thế-giới nầy với một thánh-thể thiêng-liêng, y như hình ảnh của Thầy, không ăn mà sống, không mặc mà lành, các con lại không chịu, nghe điều cám-dỗ mê-luyến hồng-trần, ăn cho phải bị đọa, dâm cho phải bị đày, nên chịu nạn áo cơm, dục quyền cầu lợi.
Lợi , Thầy cũng đã dành cho các con chung hưởng cùng nhau mà cũng vì tham, đứa chứa nhiều, đứa chịu đói.
Quyền , Thầy cũng ban cho các con in như Thầy đã ban cho chư Thần, Thánh, Tiên, Phật, hầu cho đủ thế kiềm-thúc lấy nhau đặng giữ-vẹn thánh chất yêu sanh của Thầy, mà quyền ấy trở nên một cơ-thể buộc trói nhơn-sanh trong vòng tội mọi. Ôi! thảm thay! Cái thất-vọng của Thầy nên ghê-gớm, các con có hiểu vì sao mà cả nhơn-sanh gian-tham chăng?
Thì cũng muốn cho nhiều sanh-mạng chịu phục dưới quyền-thế lợi-lộc đó, vậy sự yếu-trọng của con người là nạn cơm áo, nắm chặt quyền phân-phát cơm-áo, thì chưa ai đã chịu thọ-sanh nơi thế nầy lánh khỏi.
Muốn cho đặng quyền-hành ấy thì làm thế nào?
Dùng hết mưu-chước quỉ-quyệt, thâu-đoạt cho đặng lợi-lộc quyền-thế cho nhiều, vì vậy mà đời trở nên trường hỗn-độn, tranh-tranh, đấu-đấu, giựt-giựt, giành-giành, gây nên mối loạn, nhơn-loại nghịch lẫn nhau giúp cho phép tà-quyền mạnh hơn, yếu-thiệt, mất phép công-bình thiêng-liêng tạo-hóa; cái trường thảm-khổ của thế-gian cũng do nơi đó mà ra.
Vậy gian-tham đã thâm-nhập vào lòng, thì lòng hết đạo-đức.
Tham-gian đã nhập vào nhà, thì nhà không chánh-giáo.
Tham-gian đã nhập vào nước, thì nước hết chơn-trị.
Tham-gian đã lộng toàn thế-giới, thì thế-giới hết Thánh-Thần, Thầy không cần nói sự gian-tham có thể giục các con lỗi Ðạo cùng Thầy mà bị lắm điều tội-lỗi. Ấy vậy gian-tham là trọng tội.
Thăng
Thánh-giáo của Chí-Tôn nói về: Bất tà dâm (ngũ giới cấm).
Năm Mậu-Thìn (1928)
Vì sao “tà-dâm” là trọng tội?
Phàm xác thân con người tuy mắt phàm coi thân hình như một, chớ kỳ trung nơi bổn thân vốn một khối chất-chứa vàn-vàn, muôn-muôn, sanh-vật.
Những sanh-vật ấy cấu-kết nhau mà thành khối vật-chất có tánh-linh, vì vật-chất nuôi-nấng nó cũng đều là sanh vật, tỷ như: rau, cỏ, cây, trái, lúa gạo, mọi lương-vật đều cũng có chất sanh.
Nếu không có chất sanh, thì thế nào tươi-tắn đặng mà chứa sự sống, như nó khô-rũ thì là nó chết, mà các con nào ăn vật khô héo bao giờ. Còn như nhờ lửa mà nấu thì là phương-pháp tẫy trược đó thôi, chớ sanh-vật bị nấu chưa hề phải chết.
Các vật-thực vào tỳ-vị lại biến ra khí, khí mới biến ra huyết, chẳng cần nói, các con cũng biết cái chơn-linh khí-huyết là thế nào? Nó có thể hườn ra nhơn-hình mới có sanh sanh, tử tử, của kiếp nhơn-loại.
Vì vậy mà một giọt máu là một khối chơn-linh, như các con dâm quá độ, thì sát mạng chơn-linh ấy.
Khi các con thoát xác, thì nó đến tại Nghiệt-Cảnh-Ðài mà kiện các con, các con chẳng hề chội tội đặng. Phải giữ-gìn giới-cấm ấy cho lắm.
Thăng
Thánh-giáo của Chí-Tôn nói về: Bất ẩm-tửu (ngũ giới cấm).
Năm Mậu-Thìn (1928)
Vì sao phải “Giái-Tửu”
Thầy đã dạy rằng: thân-thể con người là một khối chơn-linh cấu-kết, những chơn-linh ấy là đều hằng-sống, phải hiểu rằng: ngũ-tạng, lục-phủ, cũng là khối sinh-vật mà thành ra, nhưng phận-sự chúng nó làm, thảng hiểu biết hay không hiểu biết, đều do mạng lịnh Thầy đã phán dạy.
Vậy Thầy lấy hình-chất xác phàm các con mà giảng dạy. Trước Thầy nói vì cớ nào rượu làm hại cho thân-thể con người về phần xác. Hình-chất con người vẫn là thú, phải ăn uống mới nuôi sự sống, như rượu vào tỳ-vị, nó chạy vào ngũ-tạng lục-phủ hết, thì trái tim con người chẳng khác nào như cái máy chánh để trữ sự sống, cũng phải bị thâm-nhập vào làm cho sự lao-động, quá chừng-đỗi thiên-nhiên đã định, thối-thúc huyết-mạch phải vận-động một cách vô chừng, mà làm cho sanh-khí nơi phổi chẳng đủ ngày giờ nhuận huyết tinh sạch cho đặng, trược huyết ấy thối lại cùng trong thân-thể, để vật-chất ô-trược vào trong sanh-vật, mỗi khối ăn nhằm phải bịnh, một ngày thêm một chút, hết cường-tráng, cốt-tủy lần-lần phải chết, thì thân-thể các con phải che
Nhiều kẻ phải bị chết nửa thân mình vì rượu, nên ra đến đỗi.
Thầy dạy về cái hại của phần hồn các con:
Thầy nói cái chơn-thần là nhị xác-thân các con, là khí-chất (le sperme), nó bao-bọc thân-thể các con như khuôn bọc vậy, nơi trung-tim của nó là óc, nơi cửa xuất nhập của nó là mỏ ác, gọi tiếng chữ là Vi-Hộ, nơi ấy Hộ-Pháp hằng đứng mà gìn-giữ chơn-linh các con. Khi luyện thành Ðạo đặng hiệp một với khí, rồi mới đưa thấu đến chơn-thần, hiệp một mà siêu phàm nhập thánh.
Vậy thì óc là nguồn cội của khí, mà óc cũng bị huyết vận-động vô chừng, làm cho đến đỗi loạn tán đi, thì chơn-thần thế nào đặng an-tịnh điều-khiển, thân-thể phải ra ngây-dại, trở lại chất thú-hình, mất phẩm nhơn-loại rồi, còn mong chi đặng phẩm Thần, Thánh, Tiên, Phật. Lại nữa buổi loạn thần ấy để cửa trống cho tà-mị xung-đột vào, giục các con làm việc tội-tình mà phải chịu phận luân-hồi muôn kiếp.
Vậy Thầy cấm các con uống rượu, nghe à!
Thăng
Thánh-giáo của Chí-Tôn nói về: Bất vọng-ngữ (ngũ giới cấm).
Năm Mậu-Thìn (1928)
Vì sao cấm “Vọng-Ngữ”
Thầy đã nói rằng nơi thân phàm các con, mỗi đứa Thầy đều cho một chơn-linh gìn-giữ cái chơn-mạng sanh-tồn. Thầy tưởng chẳng cần nói, các con cũng hiểu rõ rằng: đấng chơn-linh ấy vốn vô-tư, mà lại đặng phép giao-thông cùng cả chư Thần, Thánh, Tiên, Phật và các Ðấng trọn-lành nơi Ngọc-Hư-Cung, nhứt-nhứt điều lành và việc dữ đều ghi chép không sai, đặng dâng vào Tòa phán-xét, bởi vậy nên một mảy không qua, dữ lành đều có trả; lại nữa, các chơn-linh ấy, tánh Thánh nơi mình đã chẳng phải giữ-gìn các con mà thôi, mà còn dạy-dỗ các con, thường nghe đời gọi là “lộn lương-tâm” là đó.
Bởi vậy chư Hiền, chư Thánh Nho nói rằng: “Khi nhơn tức khi tâm”.
“Hoạch tội ư thiên, vô sở đảo dã”.
Như các con nói dối, trước chưa dối với người, thì các con đã nói dối với lương-tâm, tức là chơn-linh.
Thầy đã nói chơn-linh ấy đem nạp vào Tòa phán-xét từ lời nói của các con, dầu những lời nói ấy không thiệt hành mặc dầu, chớ tội hình cũng đồng một thể.
Nơi Tòa phán-xét, chẳng một lời nói vô-ích mà bỏ, nên Thầy dạy các con phải cẩn-ngôn, cẩn-hạnh, thà là các con làm tội mà chịu tội cho đành, hơn là các con nói tội mà phải mang trọng hình đồng thể.
Các con khá nhớ.
Thăng