CỦA THIÊN TRẢ ĐỊA, NHÂN QUẢ THẤY NGAY TRONG ĐỜI

HIỆN TẠI TOÀN BỘ AUDIO SẼ KO THỂ KHÔI PHỤC TỰ ĐỘNG. Mọi người hãy yêu cầu ở đây, ad sẽ ưu tiên xử lý trước.
Nâng cấp VIP để xem các trang bị khóa.

(Mãn Đường Hồng)
Ngày 01/04/1975, Thành phố biển Nha Trang hiền hòa bỗng chốc biến động, trở nên hoảng loạn…
Chợ Đầm bị đập phá, phát hỏa. Bọn cướp giật, đâm thuê chém mướn đủ các loại hạng, từ các trại giam phá ngục ùa ra đường, túa đi khắp các ngõ, nhập vào những dòng người tất tả, hăm hở đi hôi của.
Những quân nhân “Cộng Hòa” ở các trại lính cũng bỏ hàng ngũ chạy về thành phố, luýnh quýnh và sợ hãi, như rắn mất đầu, cầm cây súng trong tay như mang một của nợ khủng khiếp.
Súng quăng lăn lóc ngoài đường, đạn dược ném vung vãi nơi công viên, bãi biển, trở thành những thứ vũ khí cực kỳ lợi hại và đắc dụng cho bọn đầu trộm đuôi cướp đang có mặt khắp các nẻo đường với một bầu máu tham sôi sục.
Trong mấy giờ chính quyền cũ bỏ chạy, chính quyền mới chưa lập lại được trật tự ấy, thành phố như đầy hiểm họa và đổ nát, làm cho những người lương thiện, người thật thà và nhát gan phải chui rúc, ru rú trong nhà đã đóng cửa cài then với những lời cầu nguyện triền miên trên môi…
Nhà tôi cũng đã đóng cửa, im thin thít. Cha tôi đứng ngồi không yên, đi lên đi xuống như lửa bỏng dầu sôi, thỉnh thoảng nhìn qua khe cửa ra sân trước, ngó chừng cổng ngõ.
Mẹ tôi ngồi kiết già trước bàn thờ Phật, miệng lâm râm những câu kinh chú cầu an cho tất cả mọi người.
Tôi cùng hai đứa em ngơ ngác ngồi trong góc nhà, không hiểu ngoài đường đã và đang xảy ra vụ việc gì, muốn chạy ra sân cũng không được phép của cha mẹ.
Chị dâu tôi sinh đứa con đầu lòng chỉ mới được tám giờ đồng hồ trước biến động, đang nằm ở nơi buồng kín.
Mẹ tôi nghiêm trang căn dặn lũ anh em chúng tôi:
– Đứa mô bước chân ra khỏi cửa ngõ thì đi luôn, đừng bước lại vô nhà ni nữa.
Tiếng súng nổ đạch đùng râm ran đây đó, ngoài đường người ta chạy rầm rập, la hét ỏm tỏi, mẹ lo là phải…
Cha tôi thì bước quanh quẩn bên cánh cửa trước bèn thờ. Nhìn ra sân, chừng như ông đang ngóng trông, chờ đợi một điều gì đó đang làm lòng ông nóng cháy. Và rồi, ông chợt reo lên trong nỗi vui mừng:
– Ơ… Thằng Hai Hoằng đã về đến rồi… Nó về đến nơi rồi, mình ơi!
Mẹ tôi sáng rực đôi mắt, thở phào nhẹ nhõm. rồi đưa mắt nhìn lên tượng Phật với vẻ biết ơn đấng từ bi cao cả.
Cha tôi vội vàng mở toang cánh cửa để đón đứa con trai lớn của ông vừa bỏ ngũ trở về…
Anh Hai tôi bước vào nhà, an toàn nguyên vẹn, với một khẩu M16 trên tay, bộ quân phục đã nhuộm màu đỏ quạch của đất bazan, mặt mũi bơ phờ và đôi mắt còn tràn đầy kinh hoàng.
Chúng tôi reo mừng vây lấy anh Hai. Cha mẹ tôi cũng mừng khôn tả, hỏi han anh Hai đủ điều. Mẹ tôi báo tin vui:
– Vợ mi mới sinh khi sáng, một thằng con trai!
Quên hết những chuyện kinh hoàng đã và đang xảy ra, anh chạy ào vào buồng với vợ con…
Những nén nhang trầm lại được thắp lên, khói hương lan tỏa khắp nhà, gia đình tôi đã tề tựu đông đủ, không thiếu vắng ai, cũng không sứt mẻ trầy trụa người nào, ấy là cái phước đức lớn lao an ủi cho mọi người trong giờ phút ngoài đường, ngoài phố, khắp nơi trong tỉnh và cả nước đang rung chuyển đổi đời…
Đêm đến, tiếng súng nổ đã ngớt. Ngoài đường, và khắp nơi trong thành phố, những dòng người rầm rập ngược xuôi.
Một số kẻ lợi dụng tình hình đi hôi của. Họ vơ vét bất cứ cái gì. Những con người điếc không sợ súng ấy đã quên hết mọi hiểm nguy có thể xảy đến với bất cứ ai, khi mà thành phố đang đợi chờ từng giây, từng phút được trông thấy hình bóng của những người mới về nắm giữ chính quyền.
Anh Hai tôi cũng thuộc loại người điếc không sợ súng. Súng còn chưa sợ, nói gì đến lời khuyên răn của mẹ, lời nhắc bảo cảnh tỉnh của cha…
Anh Hai xách súng chạy ra khỏi nhà, nhập vào dòng người đi vơ vét của cải. Anh Hai không đi đâu xa, chỉ đến tiệm tạp hóa ở đầu đường, tiệm “Tân Hoa”, dùng súng bắn nát ổ khóa cửa sắt, rồi một mình lẳng lặng khiêng mang đủ thứ về… Mẹ tôi mắng:
– Mi lấy của thiên rồi sẽ trả cho địa!
Anh Hai tôi lạnh lùng đáp trả:
– Vợ con của con đang khát thèm mọi thứ. Con phải lo cho đứa con trai đầu lòng. Những thứ con mang về, sẽ là vốn liếng sinh sống, con sẽ biến nó lớn lên, lâu dài và không mất đi đâu được. Con không hôi của, người khác cũng hôi!
Mẹ tôi nạt:
– Nhưng đó là tội lỗi! Mi nhìn lại Ba mi mà xem, là viên chức cấp cao của Tỉnh mấy mươi năm ròng, vậy mà không bao giờ sờ đến những lợi lộc, những đồng tiền không phải là của công sức mình làm ra, một đời thanh bạch đi làm hằng ngày bằng chiếc xe đạp mà vẫn nuôi nấng lo chu toàn cho cả gia đình đó, thấy chưa?
Anh Hai cũng không chịu sai:
– Người ta khiêng vác rầm rầm kia kìa! Con không lo tương lai cho vợ của con, đó mới là tội lỗi!
Cha tôi bất bình hỏi:
– Nhà người ta có người hay không, mà mi vào ngang nhiên như ăn cướp rứa?
Anh Hai tôi ngập ngừng giây lát thưa:
– Chỉ có ba, bốn người đàn bà núp trong nhà. Có một người cũng mới sinh xong được một tuần qua. Con đâu đụng chạm gì đến họ, con cũng mở lời xin đàng hoàng, và họ cũng đồng ý cho rõ ràng, chứ đâu phải con ăn cướp?
Cha tôi nạt:
– Quá cha ăn cướp! Người ta là đàn bà yếu tim, mi cầm súng vào tận nhà, xin gì họ lại không cho!
Mẹ tôi quay ngoặt bước đi, giận trách:
– Rồi mi sẽ nhận lấy hậu quả khi mang những thứ của phù vân nay về nhà!
Anh Hai tôi cười khẩy, tiếp tục bước ra khỏi nhà, suốt đêm làm con kiến cần cù lên đường tha mồi về tổ… cho đến sáng.
Những ngày đầu thành phố đã có những chủ nhân mới đến tiếp nhận và cai quản, anh Hai tôi ra đầu thú, nộp giao vũ khí. Nhờ có bác họ tôi là một “cán bộ cách mạng nằm vùng”, đứng ra bảo lãnh với lý do chị Hai tôi mới sanh con trai đầu lòng, nên anh Hai tôi khỏi phải đi học tập cải tạo.
Anh Hai tôi chỉ là một lính bộ binh quèn, binh nhì, nên cũng được chính quyền xét chính sách cho qua, nhờ vậy anh chỉ học tập cải tạo 22 ngày tại địa phương. Không những không bị kết tội, anh Hai tôi còn được biểu dương khen ngợi vì buổi sáng ngày 02/04, khi ban quân quản được thành lập, anh đã tham gia vào lực lượng bảo vệ, giữ gìn trật tự trị an cho thành phố, bắt giữ những tên cướp hung hãn, ngăn chặn những kẻ phá hoại, cướp bóc…
Có nhiều người làm chứng cho anh Hai tôi chuyện này. Cái công lấp cái tội, không ai biết chuyện anh đã một mình phá cửa vào tiệm tạp hóa Tân Hoa, mang về cả kho hàng hóa cất giấu trên gác. Chỉ trừ những thành viên trong gia đình tôi, và những người đàn bà có mặt trong tiệm Tân Hoa kia.
Cha tôi lo lắng, thấp thỏm về chuyện này rất nhiều, cứ gặng hỏi anh Hai tôi luôn. Cuối cùng, anh Hai phải thú nhận:
“Khi anh phá cửa vào, trong nhà không có ai trừ một thiếu phụ đang “nằm ổ”. Anh Hai có dò hỏi thì được biết cả gia đình đã sơ tán chạy vào Sài Gòn. Người thiếu phụ mới sinh được đứa con gái đầu lòng non một tháng, không chịu đi, nhất quyết ở lại giữ nhà, đợi người chồng là một thiếu úy quân đội Việt Nam Cộng Hòa đang ở Tây Ninh chưa về được”.
Cả nhà nghe vậy thì thở phào, bớt lo…
Khi cuộc sống đã bình lặng, thành phố đi vào nền nếp sinh hoạt mới, hít thở không khí độc lập tự do, qua dò hỏi lân la, anh Hai tôi báo cho mẹ tôi hay: “Nhà Tân Hoa hoàn toàn vắng chủ, đã được trưng dụng làm trụ sở Ban nhân dân khóm”.
Chuyện hôi của mà anh Hai tôi một mình là thủ phạm, vậy là chìm nghỉm vào đáy lãng quên. Chỉ có gia đình tôi hay biết, và trời biết. Nhưng mẹ tôi thỉnh thoảng vẫn nhắc:
– Của thiên sẽ trả cho địa!
Cha tôi cũng ậm ừ phụ họa mẹ:
– Không trả trước cũng trả sau, không chóng thì chầy. Mi hãy lo tu nhơn tích đức cho con cháu, Hai à!
Anh Hai tôi gạt bỏ ngoài tai những lời khuyên lơn của cha mẹ, bắt đầu nhảy ra chợ trời kinh doanh buôn bán. Khi chị dâu tôi đã mạnh khỏe hơn, cháu tôi đã biết đi biết chạy, thời gian trôi qua vùn vụt, nhìn quanh thấy nhiếu người đói khổ, nhiều nhà tan tành cơ nghiệp đến trắng tay, thì vợ chồng anh chị Hai tôi được sung túc, dư dả nhờ quầy hàng tạp hóa.
Anh Hai tôi có trong tay số vốn liếng khá lớn, phát triển thêm một sạp bán phụ tùng xe đạp. Thời bấy giờ, được buôn bán những mặt hàng thiết yếu ấy thì cứ là hốt bạc mà xài. Từ số vốn hôi của ban đầu, anh Hai tôi xây dựng được một cuộc sống vững vàng, ấm cúng cho vợ con đến mãi tận sau này…
25 năm trôi qua, anh Hai tậu được căn nhà riêng, mở tiệm bách hóa gần ngã tư phố xá nhộn nhịp. Vợ cùng ba đứa con của anh sống khỏe và sung túc…
Gia sản của anh Hai ngày càng lớn hơn, nhiều hơn. Anh đã có dâu hiền, con ngoan quây quần bên mình thật hạnh phúc. Cha mẹ tôi đã không còn sống đến ngày hôm ấy…
25 năm sau, ngày đất nước thay đổi chế độ, từ Cộng Hòa chuyển sang Cộng Sản.Thành phố biển hiền hòa sống trong hòa bình và từng ngày đổi thịt thay da. Nhưng riêng gia đình tôi, cái gì phải đến thì nó sẽ đến…
Chuyện đã cách đây 15 năm, bây giờ tôi mới dám hé lộ cho mọi người biết, chỉ để làm sáng lên và nhấn mạnh về “Nhân Quả Báo Ứng” mà nhà Phật luôn luận thuyết vạch bày tự bao đời…
“Đứa con dâu trẻ trung của anh Hai vào một buổi tối khi phố xá đã thưa thớt người đi lại, tiệm bách hóa đã đóng cửa, trong một lúc bất cẩn với bình xịt muỗi gián, đã xịt ngang qua chiếc đèn dầu nơi bàn thờ ông địa đặt dưới đất, ở góc cửa tiệm, thuốc bắt lửa phụt cháy…
Hoảng kinh, cô ném chiếc bình vụt khỏi tay, lửa cháy qua hàng hóa, lan nhanh trong tiếng kêu cứu thất thanh quá nhỏ của người gây ra hỏa hoạn.
Ngọn lửa tàn bạo, dã man, không chút nương tình đã đốt nung cửa tiệm của anh Hai tôi, cháy rụi hàng hóa, đồ đạc. Vợ chồng, con cháu gia đình anh Hai chỉ kịp cứu lấy thân mạng của mình.
Khi xe cứu hỏa đến, ngọn lửa đang lan qua hai nhà kế bên, may dập tắt kịp. Cháy sạch, mất trắng, căn nhà của anh Hai, cửa tiệm của anh Hai, sau 25 năm nỗ lực gây dựng đã tan thành mây khói. Anh Hai lạc hồn ngay đêm ấy, và sáng ngày hôm sau trở thành một cái xác lê gót trên hè phố.
Người ta chỉ biết anh Hai tôi điên vì tiếc của. Riêng tôi lạnh người khi chợt nghĩ ra rằng anh Hai tôi đang bị “Quả Báo”, lấy của thiên phải trả cho địa. Anh Hai đã trắng tay, vợ con của anh cũng lâm cảnh ngặt nghèo trong 15 năm qua.
Có một điều mà từ lâu chỉ mỗi mình tôi khám phá ra, biết được nhưng không dám tiết lộ cùng ai. Tôi chỉ có thể nói ra điều này cho cha mẹ tôi hay, nhưng rất tiếc là ông bà không còn hiện hữu trên thế gian ô trọc này…
Tôi cũng có thể nói ra cho anh Hai tôi biết vào lúc anh đang trong cơn điên loạn, nhưng cũng chẳng ích lợi gì, vì đã quá muộn màng, đó là:
“Con dâu của anh Hai là đứa nhỏ con của thiếu phụ ở tiệm tạp hóa Tân Hoa cách đây 40 năm về trước đó”.
Tôi tình cờ biết được thông tin này khi đám cưới thằng cháu tôi. Tôi nghe người này người nọ nói về nhà gái, tôi lạnh mình hoảng sợ, nhưng rồi nín thinh.
Anh Hai tôi không hề hay biết, cũng không nhận ra nổi người sui gia của mình. Bên sui gia của anh Hai chắc cũng không nhớ nổi anh chính là người cướp của họ ngày xưa… Đám cưới được tổ chức vui vẻ, thông suốt, cô dâu chú rể cùng tuổi, xứng đôi vừa lứa.
Tôi lặng thinh, im bặt như hũ nút từ nhiều năm qua. Tôi ước, nếu bây giờ tôi tiết lộ điều bí mật ấy cho anh Hai, để anh có thể tỉnh táo, sáng suốt như xưa, và có thể nhận ra rằng:
“Nhân quả sâu xa khó biết, khó hiểu, nhưng lại là quy luật quan trọng nhất, chi phối toàn bộ cuộc sống của mọi người, mọi chúng sinh. Được làm người đã là khó, lại có thể đủ trí tuệ để thông hiểu luật Nhân quả sâu xa, thật vô cùng khó”.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT __()__
NAM MÔ A – DI – ĐÀ PHẬT ! XIN THƯỜNG NIỆM__()__
________
(Mãn Đường Hồng)
* Sưu tầm & Hiệu đính: Liu Thiện Như
___________________
Phật Pháp vi diệu nhưng rộng lớn quá, khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu ?
Hoặc bạn đã tìm hiểu nhiều xong vẫn còn cảm thấy chưa nắm được những điểm mấu chốt để áp dụng là những điểm nào ?
Chính vì vậy, Quang Tử đã tóm gọn lại những bài viết mang tính then chốt, chứa đựng những giáo lý mang tính ứng dụng thực tế cao, được nhiều người quan tâm trong thời đại này, mà bất cứ người nào cũng cần nắm rõ, làm hành trang căn bản, để ứng dụng hóa giải mọi khổ đau của cuộc đời.
21 bài viết và video trong fanpage Facebook này, 21 chủ đề khác nhau, tuy chẳng là gì so với biển học mênh mông của Đạo Phật, xong hi vọng sẽ giúp bạn thỏa mãn khao khát tìm hiểu, nắm vững yếu chỉ then chốt. Hãy bấm vào link bên dưới và lần lượt khám phá từng bải viết.
21 BÀI HỌC THEN CHỐT
https://www.facebook.com/21-B%C3%A0i-H%E1%BB%8Dc-Then-Ch%E1%BB%91t-100788571857467/?modal=admin_todo_tour

Nguồn

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không công bố ra bên ngoài. Hoặc bạn có thể đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội để bình luận mà không cần điền tên, địa chỉ mail và trả lời câu hỏi. Required fields are marked *