Bốn Giai Đoạn Của Đại Kiếp là gì

HIỆN TẠI TOÀN BỘ AUDIO SẼ KO THỂ KHÔI PHỤC TỰ ĐỘNG. Mọi người hãy yêu cầu ở đây, ad sẽ ưu tiên xử lý trước.
Nâng cấp VIP để xem các trang bị khóa.

1. Kiếp-thành: Khi thế-giới đã tiêu hoại, chỉ còn một khoảng hư không trống rỗng trải qua thời gian rất lâu xa. Do nghiệp lực của chúng-sanh, bấy giờ từ nơi không gian bỗng nhiên biến hiện ra áng mây to rộng che khắp một vùng bằng khoảng Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới. Kế đó lại có mưa to đổ xuống, mỗi giọt mưa lớn như cái bánh xe. Cứ mưa như thế hết trận nầy đến trận khác. Do nghiệp chúng-sanh, có nhiều trận mưa sai biệt: có cơn mây mưa lớn tên là Năng-Diệt, làm cho tiêu tan những hơi nóng bức. Có cơn mây mưa lớn tên là Năng-Khởi, làm cho nước dâng lên cao. Có cơn mây mưa lớn tên là Năng-Chỉ, làm cho nước lắng hạ xuống. Có cơn mây mưa lớn tên là Năng-Thành, hay tạo thành chất ngọc ma-ni và các thứ trân bảo. Có cơn mây mưa lớn tên là Phân-Biệt hay khu phân các vùng của Đại-thiên-thế-giới. Mưa như thế trải qua ngàn muôn năm, nước lần lần dâng cao đến cõi Phạm-Thiên. Trong khi mưa lại có bốn thứ gió to xen lẫn. Một là Năng-Trì-phong-luân, thứ gió nầy duy trì khiến cho nước không tan rã. Hai là Năng-Tiêu-phong-luân, thứ gió nầy làm cho nước tiêu bớt. Ba là Kiến-Lập-phong-luân, thứ gió nầy làm cho các xứ sở được thành lập. Bốn là Trang-Nghiêm-phong-luân, thứ gió nầy phân bố các xứ sở một cách thiện xảo.

Khi nước đã dâng lên cao đầy khắp cõi Đại-thiên, lại có những hoa sen to lớn tự sanh ra che trải giáp mặt nước. Thứ hoa sen nầy có 1.000 cánh, tên gọi là Như-Lai-Xuất-Hiện-Công-Đức-Bảo-Trang-Nghiêm, chư thiên ở cõi trời Tịnh-Cư trông thấy, bay xuống đếm xem được bao nhiêu hoa sen, liền biết trong đại-kiếp nầy có bao nhiêu vị Phật ra đời. Sau khi hoa sen mọc ra không bao lâu, bỗng có cơn gió lớn tên gọi A-Na-Tỳ-La, thổi nước xao động thành những cụm bọt to đọng đặc lại. Kế tiếp lại có thứ gió tên gọi là Thiện-Tịnh-Quang-Minh, gió nầy thành lập các Thiên-cung thuộc cõi Sắc. Trước tiên cõi Tam-thiền được thành lập, thứ đến cõi Nhị-thiền, thứ nữa đến cõi Sơ-thiền. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Tịnh-Quang-Minh-Trang-Nghiêm, gió nầy thành lập các cung điện của Không-cư-thiên thuộc cõi Dục. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Kiên-Mật-Vô-Năng-Hoại, gió nầy thành lập các Luân-Vi-Sơn lớn nhỏ và Kim-Cang-Sơn. Kế tiếp lại có thứ gió tên Thắng-Cao, gió nầy thành lập các núi Tu-Di. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Bất-Động, gió nầy thành lập mười loại núi lớn là: núi Khê-Đà-La, núi Tiên-Nhơn, núi Phục-Ma, núi Đại-Phục-Ma, núi Trì-Song, núi Ni-Dân-Đà-La, núi Mục-Chơn-Lân-Đà, núi Ma-Ha-Mục-Chơn-Lân-Đà và Hương-Sơn, Tuyết-Sơn. Kế tiếp lại có thứ gió tên là An-Trụ, gió nầy thành lập các miền đại địa của Đại-thiên-giới. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Trang-Nghiêm, gió nầy thành lập các cung điện của Địa-cư-thiên, cung điện Long-vương và thần Càn-Thát-Bà. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Vô-Tận-Tạng, gió nầy thành lập tất cả biển lớn của cõi Đại-thiên. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Phổ-Quang-Minh-Tạng, gió nầy thành lập các báu ma-ni của Đại-thiên-thế-giới. Kế tiếp lại có thứ gió tên là Kiên-Cố-Căn, gió nầy thành lập tất cả các cây Như-Ý. Như thế do nghiệp duyên của chúng-sanh không đồng, nên tự nhiên nổi lên những thứ gió sai biệt để tạo thành các cõi sai biệt.

(Đoạn thành lập các núi trên đây là trích dẫn theo kinh Hoa-Nghiêm) xin lược dẫn thêm một đoạn trong luận Du-Già-Sư-Địa để học giả so sánh: Bấy giờ giữa hư không lại nổi lên các Giới-tạng-vân. Do những ánh mây nầy, có nhiều thứ mưa to đổ xuống, nước mưa đều y trụ trên Kim-tánh-địa-luân. Kế đó lại có gió mạnh khởi lên cổ động làm cho nước thành những chất đặc. Các chất tinh diệu bậc thượng hợp thành núi Tu-Di. Núi nầy khi hoàn thành, thể chất của nó là bốn thứ báu: vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Những chất đặc bậc trung, kết thành bảy núi vàng như: núi Trì-Song, núi Trì-Trục, núi Chiêm-Mộc, núi Thiện-Kiến, núi Mã-Nhĩ, núi Tượng-Nhĩ, núi Trì-Địa. Bảy dãy núi nầy an lập theo thứ lớp và đều vây quanh núi Tu-Di. Những chất đặc bậc hạ kết thành bốn đại-châu, tám trung-châu, núi Thiết-Vi, cung điện của hàng Phi-thiên, Long-cung, Tuyết-Sơn, bờ núi bao quanh A-Nậu-Trì, các chánh ngục, biên ngục, và một phần biệt xứ của loài Ngạ-quỷ, Bàng-sanh. Cung điện của hàng Phi-thiên ở dưới chân núi Tu-Di gần mé nước Long-cung ở rải rác theo các Hương-thủy-hải, giữa bảy núi vàng. Trong các Long-cung nầy có tám đại Long-vương, thọ lượng đồng một trụ kiếp. Tám Long-vương ấy là: Trì-Địa long-vương, Hoan-Hỷ long-vương, Mã-Loa long-vương, Mục-Chơn-Lân-Đà long-vương, Ý-Mãnh long-vương, Trì-Quốc long-vương, Đại-Hắc long-vương, Ế-La-Diệp long-vương.

Tóm lại, kiếp thành là giai đoạn thế-giới đang thành lập. Thời gian nầy kể có 20 tiểu-kiếp.

2. Kiếp-trụ: Kiếp-trụ là gì? Ấy là thế-giới đã thành, có thể khiến cho chúng-sanh được an trụ mà thọ dụng. Kinh Hoa-Nghiêm nói: “Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới đã thành lập, khiến cho vô lượng chúng-sanh được nhiều sự nhiêu ích: những loài thủy tộc được sự nhiêu ích của nước; những loài ở lục địa được sự nhiêu ích của đất; những loài ở cung điện được sự nhiêu ích của cung điện; những loài ở hư không được sự nhiêu ích của hư không”.

Khi thế-giới mới vừa thành lập, đất như chất sữa đặc, có đủ mùi vị thơm tho ngon đẹp. Lúc ấy hàng chư thiên phước, mạng đều hết, từ cõi trời Quang-Âm hóa sanh xuống miền đại địa. Loài hữu-tình nầy các căn đầy đủ, thân có ánh sáng, bay đi tự tại giữa hư không lấy sự hỷ lạc làm thức ăn, thọ số rất lâu dài. Bấy giờ thế-giới không có mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao, thời tiết và ngày đêm, cũng không phân biệt ai là nam, nữ, sang, hèn mọi người gặp nhau chỉ gọi là “Tát đỏa, tát đỏa”. Khi đó các hữu-tình hóa sanh thấy lớp địa tô trắng nhuyễn, lấy ngón tay chấm đưa vào lưỡi nếm thử. Nếm vài ba lần, cảm thấy thơm ngon, mùi vị đặc biệt, họ liền sanh lòng tham trước. Những kẻ nào ăn chất địa tô nhiều, thân thể lần lần thô phì, người ăn ít thì nhan sắc quang nhuận hơn. Do đó họ sanh tâm phân biệt tốt xấu hơn kém. Khi các hữu-tình ấy tham nhiễm chất địa tô, thì thần thông ánh sáng và diệu sắc của thân thể cũng lần suy mờ và mất hẳn, thế-giới trở nên tối tăm. Lúc đó các ngọn hắc phong thổi vào mặt biển, từ nơi đây phát hiện mặt trời, mặt trăng bay lên hư không soi sáng thế gian. Người thời bấy giờ thấy mặt trời mọc thì mừng, thấy mặt trời lặn thì lo lắng sợ hãi, từ đó mới có ngày đêm phân biệt. Khi loài người đã sanh lòng hơn kém thị phi, phước đức cũng suy giảm, chất địa tô biến thành địa bì, mùi vị kém hơn trước. Lần lần chất địa bì cũng diệt, sanh ra chất địa phu; chất địa phu lại diệt, biến ra chất địa phì, mùi vị như rượu bồ đào. Kế đó chất địa phì cũng mất, từ dưới đất mọc lên cây bồ đào trái ngon ngọt, nhơn loại hái thứ trái ấy mà ăn, ăn hết lại có trái khác sanh ra tiếp tục. Lần lần cây bồ đào thưa thớt không còn trái, từ dưới đất lại mọc lên thứ gạo không có vỏ thóc bên ngoài; thứ gạo nầy không cần gia vị mà vẫn có đủ mùi chất thơm ngon.

Bấy giờ loài người hóa sanh ăn thứ gạo thơm, còn lại cặn bã nơi thân, thể chất lại biến sanh ra đại, tiểu tiện đạo, hiện rõ căn hình nam nữ. Những kẻ tình nhiễm hơi nặng biến thành nữ nhơn, người tình nhiễm nhẹ hơn biến thành nam tử; hai bên đối nhau cười nói, dục niệm càng tăng, lần lần đi đến sự phối hợp và kết thành chồng vợ ở chung nhau. Từ đấy loài người sanh ra đều từ thai tạng của mẹ. Thứ gạo thơm thuở ấy dài độ bốn tấc, ban mai cắt chiều liền sanh, chiều cắt mai lại sanh, hạt nào hạt nấy đều chín mọng. Trong khi đó đôi kẻ sanh tâm lười biếng, họ cắt luôn thật nhiều, để dành ăn trong ba ngày, năm ngày, hoặc nhiều ngày. Những người kia trông thấy thế bắt chước làm theo, do nghiệp tham lam phóng dật ấy, gạo lần lần sanh ra vỏ thóc, khi cắt rồi không mọc lại liền như lúc trước. Trước cảnh trạng ấy, loài người buồn rầu khóc lóc, cùng nhau phân chia ranh giới của ruộng nương, mỗi gia đình đều tàng trữ lúa riêng, rồi ra sức gieo trồng để tự nuôi sống.

Thời gian sau, lại có kẻ tham lam lười biếng, không chịu gắng sức làm việc, lén cắt trộm lúa của người khác, nhân đó sanh ra sự tranh đấu lẫn nhau. Bấy giờ đại chúng họp lại lựa bậc có đức công cử lên làm điền chủ, với nhiệm vụ xử đoán việc phải quấy, trách phạt kẻ có tội, mỗi người đều trích bớt phần ăn của mình để thù đáp công lao của vị ấy. Đây là mầm móng xuất phát hàng vua chúa và giai cấp Sát-Ðế-Lỵ về sau. Lúc đó lại có những kẻ thấy nhơn loại lần trở nên ô nhiễm xấu xa, sanh lòng thương xót yểm ly, bỏ vào núi tu hành, giữ hạnh trong sạch được mọi người tôn kính cúng dường. Đây là nguồn gốc của hàng xuất-gia tu tịnh hạnh và giai cấp Bà-La-Môn về sau. Lại có những kẻ học tập các kỹ nghệ, hoặc giúp việc cho người khác để tự mưu sanh. Đây là hàng thứ dân và tiện dân, cũng là nguyên ủy của hai giai cấp Phệ-Xá, Thủ-Ðà-La sau nầy.

Tóm lại, thời gian của kiếp-trụ cũng gồm có hai mươi tiểu-kiếp. Mỗi tiểu-kiếp khi tăng thạnh đều có bốn bậc Luân-vương ra đời, lúc giảm cực đều có tiểu-tam-tai.

3. Kiếp-hoại: Khi trụ-kiếp đã mãn, thế-giới bắt đầu hư hoại đây gọi là kiếp-hoại. Sự hư hoại nầy có hai phương diện: thú-hoại và giới-hoại. Thú-hoại là chỉ cho sự tiêu hoại của chúng-sanh trong Thất-thú, tức là hữu-tình-giới. Lúc đó những chúng-sanh nào có phước nghiệp liền được sanh về các tầng trời không tiêu hoại, hoặc sanh về các thế-giới khác tương xứng với nghiệp của mình. Những chúng-sanh nghiệp nặng, sau khi thân xác tiêu tan liền được chuyển sanh về ác đạo ở tha phương. Giới-hoại là sự tiêu hoại của non sông vạn vật, tức là khí-thế-giới.

Về kiếp-hoại lại có tướng đại-tam-tai là: hỏa-tai, thủy-tai và phong-tai.
Khi hỏa-tai sắp khởi, những chúng-sanh có phước đức đều sanh lên cõi Nhị-thiền. Do nghiệp của loài hữu-tình kế đó hắc phong nổi lên dữ dội, khởi thỉ có hai mặt trời hiện ra, làm cho nước ở các ao hồ rạch nhỏ đều khô cạn. Kế tiếp có ba mặt trời hiện ra, làm cho nước ở các sông lớn đều khô cạn. Kế lại có bốn mặt trời hiện ra, làm cho nước ở A-Nậu-Trì (Vô-nhiệt-trì) khô cạn. Khi năm mặt trời hiện ra biển lớn đều khô; sáu mặt trời hiện ra núi non đất liền bốc cháy khói lên ngùn ngụt; bảy mặt trời hiện ra núi Tu-Di sập đổ, chư thiên trời Lục-Dục thảy đều mạng chung, sức lửa hủy hoại cả Dục-giới và tầng Sơ-thiền của Sắc-giới. Lúc ấy từ cõi trời Quang-Âm trở xuống, vạn vật đều thành tro bụi, chư thiên mới hóa sanh lên đây thấy cảnh tượng chưa từng có ấy, đem lòng sợ hãi. Các thiên-tử cựu trụ đến an ủi rằng: “Chư vị chớ lo sợ, kiếp lửa không thể tiêu hủy được cõi nầy”.

Khi thủy-tai nổi lên, những chúng-sanh có phước đức đều sanh trước lên cõi Tam-thiền. Do nghiệp lực của loài hữu-tình, tam-thiên-thế-giới nổi lên cơn mưa mãnh liệt. Từ cõi Tam-thiền trở xuống, cung điện chư thiên, núi Tu-Di, Thất-Kim-Sơn, Tứ-đại-châu đều ẩn hình trong biển nước. Cả cõi Dục và tầng Sơ-thiền, Nhị-thiền của Sắc-giới đều bị sức nước xung phá tiêu tan. Ví như một khối muối to bỏ xuống nước bị tiêu tan thế nào những sắc chất của cõi nầy cũng bị tiêu tan như thế ấy.

Khi phong-tai nổi lên, những chúng-sanh có phước đức đều sanh trước lên cõi Tứ-thiền. Do nghiệp lực của loài hữu-tình, có cơn gió mãnh liệt tên là Đại-Tăng-Già nổi lên. Từ cõi Tứ-thiền trở xuống, cung điện chư thiên, núi non, tất cả các sắc chất đều va chạm nhau tan nát như vi-trần trong sức quay cuồng dữ dội của gió. Nói chung, phong-tai tiêu hoại đồng thời tất cả trời Tam-thiền, Nhị-thiền, Sơ-thiền, và 1.000.000.000 cõi Dục của Đại-thiên-thế-giới.

Đại-tam-tai không phải đồng thời khởi lên trong một đại-kiếp. Như đại-kiếp thứ nhất bị hỏa-tai tiêu hoại, đến đại-kiếp thứ tám mới bị thủy-tai tiêu hoại, cứ bảy lần hỏa-tai có một lần thủy-tai, bảy lần thủy-tai mới có một lần phong-tai. Đại-tam-tai tuần hoàn 64 lần trong một kiếp vận, nếu đại-kiếp thứ nhất bị hỏa-tai tiêu hoại, đến đại-kiếp thứ 64 mới có phong-tai tiêu hoại thế-giới. Như thế trong một kiếp-vận (64 đại-kiếp), có 56 lần đại hỏa-tai, 7 lần đại thủy-tai, 1 lần đại phong-tai.

Hiển-Tông-Luận nói: “Chư thiên cõi Sơ-thiền do sức phiền não vi tế của tâm sở tầm, từ bên trong, nên chiêu cảm hỏa-tai bên ngoài. Chư thiên cõi Nhị-thiền do sức nhuận trạch của tâm khinh an, hoan hỷ bên trong, nên chiêu cảm thủy-tai bên ngoài. Chư thiên cõi Tam-thiền do sức dao động của tâm lạc thọ bên trong, nên chiêu cảm phong-tai bên ngoài. Bậc Sơ-thiền vì có đủ ba tai nạn bên trong, nên phải thọ ba tai nạn bên ngoài. Bậc Nhị-thiền vì có hai tai nạn (thủy, phong-tai) bên trong, nên phải thọ hai tai nạn bên ngoài. Bậc Tam-thiền vì có một tai nạn (phong-tai) bên trong, nên phải thọ một tai nạn bên ngoài”. Cứ theo đây mà xét thì trong thời kỳ hỏa-tai cũng có thủy-tai và phong-tai, nhưng thế lực của nước và gió kém hơn lửa, nên chỉ kể phần lửa là đại hỏa-tai. Trong thời kỳ thủy-tai cũng có hỏa-tai và phong-tai, nhưng thế lực của lửa và gió kém hơn nước, nên chỉ kể phần nước là đại thủy-tai. Trong thời kỳ phong-tai cũng có hỏa-tai và thủy-tai, nhưng thế lực của lửa và nước kém hơn gió, nên chỉ kể phần gió là đại phong-tai. Hỏa-tai phá hoại đến cõi Sơ-thiền, thủy-tai phá hoại đến cõi Nhị-thiền, phong-tai phá hoại đến cõi Tam-thiền. Tạp-Tâm-Luận nói: “Bậc Tứ-thiền không có lửa giác-quán như Sơ-tịnh-lự, không có nước hoan-hỷ như Nhị-tịnh-lự, không có gió lạc-thọ như Tam-tịnh-lự nên không bị tam-tai làm hại. Vì thế cõi Tứ-thiền vĩnh viễn không tiêu hoại. Nhưng đệ Tứ-thiền chưa được gọi là chân thường vì định cảnh nầy không vĩnh viễn tương tục khi sức định đã mòn thế lực của nó phải tiêu tan. Vì thế cõi Tứ-thiền tuy không bị tam-tai, nhưng còn bị sự sanh diệt vô thường làm hư hoại. Tướng hư hoại ấy như thế nào? Như khi vị thiên-tử cõi Tứ-thiền mới hóa sanh, cung điện và bao nhiêu y-báo tùy thân cũng đồng thời hiện; khi họ mạng chung y-báo riêng cũng đồng thời tiêu diệt”.

Trên đây là tướng trạng chung về sự tiêu hoại của thế-giới. Mỗi lần thế-giới hoại diệt đều trải qua một thời gian là 20 tiểu-kiếp. Tóm lại các tướng hữu vi là pháp sanh diệt, ba cõi đều vô thường, hàng Phật-tử không nên tham trước. Cổ-đức đã bảo:

“Lục-dục còn mang tướng ngũ suy,
Tam-thiền chưa khỏi với phong-tai.
Dù cho tu đến Phi-phi-tưởng.
Cũng chẳng bằng lên Bát-Nhã-đài”.

4. Kiếp-không: Sau khi đã trải qua đại tai, vạn vật đều tiêu tan, chỉ còn một khoảng không gian vô hình. Trạng thái nầy kéo dài 20 tiểu-kiếp mới qua giai đoạn thành lập của thế-giới tương lai. Thời kỳ trống không ấy gọi là không kiếp. Không kiếp không có ngày đêm thời tiết, làm sao mà biết được là trải qua 20 tiểu-kiếp. Đây là do trí huệ vô ngại của Phật thấy suốt mười phương, so sánh với các cõi trời không hư hoại và trụ của thế-giới phương khác, nên biết rõ thời gian ấy trải qua 20 tiểu-kiếp.

Như một năm có bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; một đại-kiếp phải trải qua bốn kiếp tướng là thành, trụ, hoại, không, liên tục không dứt. Thời tiết hết đông kế sang xuân, kiếp tướng hết thời kỳ trống không lại qua thời kỳ thành lập. Đối-Pháp-Luận nói: “Như suốt qua phương đông có vô lượng thế-giới, các cõi ấy hoặc sắp thành, hoặc đang hoại, hoặc đang thành, hoặc đã thành rồi trụ, hoặc đã hoại rồi không. Cũng thế, vô biên quốc độ ở mười phương sanh diệt theo bốn giai đoạn: thành, trụ, hoại, không, liên tục không dứt. Chánh-báo và y-báo ở mười phương thế-giới có xấu, đẹp, sạch, dơ, đều do đồng nghiệp của chúng-sanh mà cảm hiện”. Kinh Hoa-Nghiêm cũng nói: “Ví như lá trong rừng có non, già, khô, rụng, thế-giới trong các sát chủng cũng có thành, trụ, hoại, không”.

Trích Phật Học Tinh Yếu

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không công bố ra bên ngoài. Hoặc bạn có thể đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội để bình luận mà không cần điền tên, địa chỉ mail và trả lời câu hỏi. Required fields are marked *