Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không thay đổi

HIỆN TẠI TOÀN BỘ AUDIO SẼ KO THỂ KHÔI PHỤC TỰ ĐỘNG. Mọi người hãy yêu cầu ở đây, ad sẽ ưu tiên xử lý trước.
Nâng cấp VIP để xem các trang bị khóa.

Khổng Tử nói: “Tánh thì gần giống nhau, nhưng do dạy dỗ, đào luyện mà thành ra khác nhau[6]”. Lại nói: “Chỉ có bậc thượng trí và kẻ hạ ngu là không thay đổi”. Mạnh Tử tuy hiền nhưng vẫn phải thuận theo thế tục, nương theo sự giáo huấn mà thay đổi. Bậc thượng trí, kẻ hạ ngu hiếm lắm, bao nhiêu chúng sanh do tập theo thói lành mà thành lành, tập theo thói ác bèn thành ác, những người chẳng bị thiện ác lay động chỉ là một hai phần trong trăm ngàn vạn ức phần! Cư sĩ Giang Vị Nông đoan trang, khiêm tốn, có phong cách của cổ nhân, tu trì thành khẩn nghiêm mật, chỉ mong được lợi ích thật sự, hoàn toàn không có những tập khí đàm huyền thuyết diệu, ham cao chuộng xa. Quang tuy khâm phục, kính nể ông Giang thiên tánh thuần hậu, chuyên dốc, nhưng vẫn đoán trong gia đình ông sự un đúc ắt phải có chỗ thật vượt trội mọi người. Đến khi trông thấy những sự thực đại lược về việc quy Tây của phu nhân mới biết tư cách của cư sĩ chịu ảnh hưởng rất sâu từ mẹ. Do vậy, biết rằng: Đời phải có hiền mẫu thì mới có hiền nhân!

Những vị thánh mẫu thời xưa dạy con từ thuở còn trong thai, bởi lẽ un đúc từ lúc mới bẩm thụ thể chất mới mong tập quen thành tánh. Thế gian dùng chữ Thái Thái để gọi nữ nhân là vì ba vị thánh nữ Thái Khương, Thái Nhậm, Thái Tự, vị nào cũng giúp chồng dạy con, mở ra vương nghiệp tám trăm năm [của nhà Châu], cho nên người ta mới dùng chữ Thái Thái để xưng tụng nữ nhân. Quang thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ, nữ nhân chiếm quá nửa”. Lại thường nói: “Dạy dỗ con gái chính là cái gốc để tề gia trị quốc bình thiên hạ”, đấy là nhằm khuyên dạy trọn hết đạo làm vợ, giúp chồng dạy con mà nói như thế. Chẳng giống như nữ giới ngày nay, đa phần chẳng giữ bổn phận, vọng động muốn nắm lấy chánh quyền, làm đại sự, chẳng biết vun bồi từ gia đình. Đấy chính là “gồm thâu sắt của khắp chín châu muôn nước cũng chẳng thể đúc được một mối lầm lỗi lớn lao ấy”. Do vậy, thế đạo nhân tâm ngày càng đi xuống; thiên tai nhân họa cứ thấy xảy ra liên tiếp. Tuy là do chúng sanh đồng phận ác nghiệp chiêu cảm, nhưng thật ra chính là vì trong gia đình đánh mất sự giáo dục mà nên nỗi!

Cho nên những kẻ có thiên tư quen thói cuồng vọng, những kẻ không có thiên tư trở thành người dân ương ngạnh. Nếu như ai nấy đều được mẹ hiền uốn nắn thì người người đều có thể trở thành thiện sĩ, hễ túng quẫn thì riêng một mình ta thiện, lúc hiển đạt thì khiến cho người khác đều cùng được thiện, đâu đến nỗi trên không có đạo để hướng dẫn, dưới chẳng có pháp tắc để tuân thủ, tệ hại, khinh nhờn trăm mối nẩy sanh, dân không lẽ sống!

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không công bố ra bên ngoài. Hoặc bạn có thể đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội để bình luận mà không cần điền tên, địa chỉ mail và trả lời câu hỏi. Required fields are marked *